“Phải xích chân con vào cột nhà như thế tôi cũng đau lòng lắm. Nhưng con tôi bị điên rồi, giờ nó chẳng khác nào con vật nữa, thả ra nó lại bỏ đi, vác dao chém người…”.
Đó là lời tâm sự đầy nước mắt của cụ bà Nguyễn Thị Thoa (78 tuổi, thôn Vĩnh Hạ, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Cụ Thoa rớt nước mắt cho biết trước đây con trai cụ - anh Đan - khỏe mạnh, chăm chỉ có tiếng nhất nhì làng. Vậy mà chẳng hiểu sao bỗng một ngày bệnh tật từ đâu kéo tới, biến con cụ từ một thanh niên lực điền lam làm thành kẻ tâm thần, vô dụng. Những giọt nước mắt đau đớn, buồn tủi chưa kịp khô, hai cụ lại đối mặt với tin dữ khi con dâu mang trọng bệnh đột ngột qua đời, để lại hai đứa cháu nội thơ dại và người con tâm thần lên đôi vai còng của đôi vợ chồng già.
Đôi vợ chồng già bất hạnh
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Thoa cho hay, đã vài lần, cụ bị con trai trong cơn điên loạn hết hắt nước mắm lại đến ném bát cơm tím mặt. Đau điếng người cũng chẳng biết làm sao.
Có lúc cụ lại bị con trai cầm dao rựa rượt đuổi, đòi chém chết mẹ già khắp làng. Lần nào cụ cũng may mắn thoát chết là nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, can thiệp đúng lúc. Cuối cùng, cực chẳng đã, vợ chồng cụ đành nhờ người xích chân con trai vào cột nhà. Song cũng vài lần, anh Đan nhờ đám trẻ nhỏ lấy hộ con dao rựa, chặt đứt xích thoát thân rồi đòi đốt cột, đốt nhà, đòi đánh đuổi bố mẹ, ép hai cụ tới con đường cùng phải đưa con vào Bệnh viện Tâm Thần Ba Thá chữa trị. Nhưng chỉ được vài tháng là anh Đan lại rền rĩ, khóc lóc kể khổ xin về làm hai cụ xuôi lòng.
Cụ Thoa cố nuốt nước mắt ngồi quạt cho con trai đỡ nóng.
Cố nén tiếng thở dài, cụ Thoa tâm sự: "Giờ tôi già rồi, sức như ngọn đèn trước gió, nhìn việc gì cũng muốn làm, kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu nhưng lực bất tòng tâm".
Cụ đành nhận việc chăm bò. Mỗi năm bò mẹ cũng đẻ được 1 bò con, bán được gần 5 triệu đồng. Để có được số tiền ấy, nhiều lần cụ Thoa đã bị bò kéo lê ra đường, xây xát khắp người, có lần còn bị sụn cả xương lưng. Nhưng nhìn hai đứa cháu thơ dại, khốn khổ, cụ lại nuốt nước mắt, tự động viên cố gắng gượng cho con cháu được nhờ. Cụ ông khỏe hơn nên thi thoảng vẫn cố nhận làm thuê những việc vặt cho bà con trong xóm kiếm tiền.
Cụ đành nhận việc chăm bò. Mỗi năm bò mẹ cũng đẻ được 1 bò con, bán được gần 5 triệu đồng. Để có được số tiền ấy, nhiều lần cụ Thoa đã bị bò kéo lê ra đường, xây xát khắp người, có lần còn bị sụn cả xương lưng. Nhưng nhìn hai đứa cháu thơ dại, khốn khổ, cụ lại nuốt nước mắt, tự động viên cố gắng gượng cho con cháu được nhờ. Cụ ông khỏe hơn nên thi thoảng vẫn cố nhận làm thuê những việc vặt cho bà con trong xóm kiếm tiền.
Nói tới đây, cụ Thoa lại hướng mắt ra cổng xót xa: "Cũng tội cho ông cháu, vài năm nay yếu nhiều rồi, chân đi không vững, lưng còng ngang mặt đường mà vẫn phải đi làm thuê, kéo phân cho người ta gom tiền nuôi cháu ăn học, chỉ mong chúng nhanh lớn, hiểu biết, có đủ sức nuôi bố, chúng tôi mới yên lòng. Ước là vậy, chẳng biết ông trời có rủ lòng thương không?". Cụ bà vừa dứt lời cũng là lúc cụ ông về tới nơi.
Càng làm càng lụi
Không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn nữa nhưng để có tiền nuôi con cháu, cụ Sản vẫn cố nhận vài mẫu đất bồi ngoài bãi nổi, trồng cây táo mong kiếm thêm vài đồng đóng học cho hai cháu nội. Song, từ ngày nhận bãi tới giờ, ông trời như thể trêu ngươi người nghèo, năm nào trúng mùa nhất cũng vừa đủ thanh toán tiền thuê bãi cho hợp tác xã. Ngược lại, chỉ còn cách “giật gấu vá vai” đền bù tiền thuê đất cho hợp tác xã.
Cụ Sản thở dài, nói như thanh minh: “Người ta khỏe thì có sức chăm bón tốt cho cây, còn tôi già yếu rồi, cây cũng cằn cỗi theo vì mình không có sức chăm nên mới vậy. Táo của tôi trồng ra cũng xấu hơn của người ta nên bán không được giá nhưng chẳng biết làm sao hơn, đành chịu. Gần như chỉ trồng táo để chặt cành thừa, cây cỗi về phơi khô mùa đông sưởi cho bò kéo lại. Nghĩ mà tủi nhưng số là vậy, không cưỡng lại được…”.
Cụ Trần Gia Sản chia sẻ với phóng viên.
Cụ Sản cười ngượng ngạo kết luận: “Nhà người khác nhận ruộng, nhận bãi để làm kinh tế kiếm sống, còn tôi nhận ruộng, nhận bãi chẳng khác nào việc “ôm rơm rặm bụng”, mất nhiều công sức mà thu lại chẳng thấy đâu. Biết là vậy nhưng nhìn hai đứa cháu nhỏ dại mà không dám bỏ đồng, bỏ ruộng…”.
Tủi thay con
Nghĩ tới con trai, cụ Sản không khỏi xót xa. Ngày chưa phát bệnh, anh Đan khỏe mạnh và chăm chỉ, cần mẫn tới mức nức tiếng trong làng. Nhờ đó, anh đã lấy được một tiểu thư cành vàng lá ngọc, được cưng chiều từ bé, không phải động tay chân vào việc gì cho dù được sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Vì thế, khi về nhà chồng, chị vợ vẫn theo thói quen cũ, không muốn động chân, động tay vào việc đồng áng vất vả, nhọc nhằn. Tuy nhiên, sau khi đứa con đầu lòng cứng cáp, chị vợ phải theo chồng ra đồng tước lá mía, được nửa buổi đã vội trở về nhà thu dọn quần áo, dắt con trai đi thẳng về nhà ngoại không một lời từ biệt.
Nhớ vợ, thương con, ngày nào anh Đan cũng dành thời gian tìm vợ con, vật nài hứa hẹn nhận mọi phần việc về mình, chỉ mong vợ con sớm trở về đoàn tụ nhưng đều thất bại. Buồn bã, chán nản, anh Đan như kẻ mất hồn, bỏ cả đồng áng chỉ để ở nhà nằm dài, thở ngắn, than dài cho số phận hẩm hiu của mình. Thấy vậy, vợ chồng cụ Sản đành bảo nhau nhờ người kiếm cho anh Đan một người vợ khác với hy vọng con trai mình sớm trở lại bình thường.
Nếu không xích chân Đan, cụ Thoa lại bị con trai cầm dao rựa rượt đuổi khắp làng để đòi chém chết mẹ già.
Sau nhiều cuộc mai mối, cuối cùng vợ chồng cụ Sản cũng lựa chọn giúp anh Đan một cô gái hơn anh hai tuổi, không sắc, không tài nhưng chăm chỉ, lam làm không ai bằng. Cứ ngỡ se đôi cho vợ chồng anh Đan có đôi có cặp, nào ngờ cả hai đến với nhau chỉ như hai kẻ chết đuối vớ phải cành củi mục. Kẻ phát chứng tâm thần, người mang bệnh tim, bệnh ung thư giai đoạn cuối rồi nhanh chóng qua đời, đẩy gánh nặng nuôi cháu nhỏ lên đôi vai hai vợ chồng già nghèo khó.
Ông Lê Xuân Dân, Chủ tịch xã Sơn Công cho biết: “Dù xã đã tạo điều kiện, hết lòng chia sẻ, giúp đỡ nhưng với gia đình cụ Sản thì phải có sự giúp đỡ của cả xã hội”.
Ông Lê Xuân Dân, Chủ tịch xã Sơn Công cho biết: “Dù xã đã tạo điều kiện, hết lòng chia sẻ, giúp đỡ nhưng với gia đình cụ Sản thì phải có sự giúp đỡ của cả xã hội”.
Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về:
Cụ Trần Gia Sản – 78 tuổi Thôn Vĩnh Hạ - Xã Sơn Công – Huyện Ứng Hòa – Hà Nội.
Điện thoại: 016.382.43.782
|
Nguồn: kenh14.vn
LƯỢNG THIÊN XÍCH. St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét