Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Đắng lòng nuôi chồng trên xe lăn, nuôi con trong cũi sắt


Hàng ngày hết nhìn người chồng bại liệt lặng yên ngồi đó lại nhìn đứa con gào thét, khóc lóc trong cũi sắt mà người phụ nữ ấy chỉ biết nuốt nước mắt chua chát vào lòng, bất lực, tự trách bản thân quá bất hạnh... Đó là hoàn cảnh đáng thương của gia đình bà Lương Thị Dậu (SN 1957) trú tại thôn Mai Động, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam.
 
Đến nhà bà Dậu, chúng tôi không khỏi nhói lòng khi vừa bước chân qua cổng đã chứng kiến những cảnh tượng thương cảm.

Ở ngay cạnh chuồng gà có chiếc cũi sắt chắc chắn nhốt một cô gái trẻ trông điên dại, đang la hò, nói năng nhảm nhí.

v
Cuộc sống trong cũi sắt của chị Nguyễn Thanh Giang.

Tiến vào trong nhà, chúng tôi lại thấy thêm một người đàn ông đầu tóc bạc đang cố gắng hắt ra từng hơi thở khó nhọc, vịn tay ngồi lặng trên chiếc xe lăn. Dưới nền nhà, từng vũng nước tiểu bốc mùi khai nồng nặc cho thấy người này đã bị bệnh tật khá lâu rồi.

Qua trò chuyện với bà Lương Thị Dậu, chúng tôi được biết hai con người khốn khổ đó là chồng và con của bà. 

Theo lời bà Dậu kể, năm 1977, bà kết hôn với ông Linh Hữu Cường (SN 1955) người cùng quê, nhưng chung sống với nhau không được bao lâu thì ông Cường mất. 6 năm sau, nhờ có người mai mối bà đi thêm bước nữa với ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1942),  hạ sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái), trong đó 2 anh con trai nay trưởng thành đi mưu sinh ở xa không đỡ đần được gia đình.
 
Chị Nguyễn Thanh Giang là người con gái duy nhất (SN 1984) nhưng không may mắc bệnh bại não từ nhỏ, chạy chữa mãi cũng không khỏi, thường lên cơn điên loạn. Vì vậy, bà Dậu đành phải đóng cũi sắt nhốt con ở một gian cạnh chuồng gà để tránh những lúc con lên cơn điên dại, mất kiểm soát.

Bà Dậu nghẹn ngào tâm sự: “Biết làm vậy có lỗi với con mình. Nhưng tội lắm chú ạ! Để nó tự do bên ngoài rồi lại đi đánh người, phá cây cối của người khác. Thương con nhiều nhưng không còn cách nào khác, tôi đành phải thuê người đóng cũi nhốt nó vào vậy”.

v
Bà Dậu nước mắt ngắn dài, luồn tay qua thanh sắt, bón cơm cho con ăn.

Người ngoài không biết nhìn vào đều tưởng chị là một đứa trẻ, thật ra năm nay chị Giang đã 28 tuổi. Nhiều năm qua, phần lớn thời gian chị Giang sống trong không gian cũi sắt, sống một cuộc sống trời đày, miệng thi thoảng lại hú lên không khác gì người rừng, con thú. Mười đầu ngón tay bé nhỏ của chị đều tụ máu, thâm tím do cào cấu, vật vã mỗi lúc lên cơn điên loạn.
 
Thi thoảng lúc tỉnh táo, chị Giang mới được mẹ cho ra ăn uống, rửa ráy. Một con người mà năm tháng phải ngủ chung khu vực với lợn, gà, phải ngửi mùi phân gia súc… là điều cực chẳng đã.

Gia cảnh vốn túng quẫn, năm 2009, ông Tùng lại mắc tai biến mạch máu não. Bao nhiêu tiền bạc, của cải trong nhà bà Dậu đều đem bán hết, cộng thêm với vay mượn anh em, hàng xóm để chữa bệnh cho chồng nhưng bệnh cuối cùng không khỏi. Giờ đây ông Tùng sống đời bại liệt, câm điếc, mắt mờ, ngồi cố định trên xe lăn.

v
Ông Nguyễn Thanh Tùng sau đợt tai biến mạch máu não trở thành một phế nhân, đặt gánh nặng cuộc sống lên đôi vai bà Dậu.

“Nhà có một người bệnh đủ vất vả rồi, lại thêm cả ông ấy nữa. Tối đến tôi nhìn con Giang nằm ngổn nghển trong cũi, nhìn chồng bất động trong nhà mà ruột gan như đứt ra từng khúc, xót xa vô cùng. Hàng ngày chăm sóc cho chồng con thấy tủi phận nhiều, chỉ còn khóc thôi, số khổ như “chị Dậu” vậy chú ạ” - bà Dậu vừa nói vừa khóc.

Ông Lê Gia Hùng, Trưởng thôn Mai Động, xã Trung Lương cho biết:
“Gia đình chị Dậu là trường hợp khó khăn nhất của địa phương chúng tôi. Chị Dậu có hai đời chồng nhưng đều không suôn sẻ.  Bản thân chị bây giờ lại mắc trọng bệnh mà vẫn phải gồng gánh thêm người chồng bại liệt và con gái điên dại. Các chính sách ưu đãi của thôn xóm luôn quan tâm, hỗ trợ dành riêng cho gia đình chị. Do ngân sách xã còn hạn hẹp nên chúng tôi cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Mong sao các nhà hảo tâm gần xa biết đến chia sẻ, giúp đỡ cho hoàn cảnh của chị”.
Bà Dậu kể, từ ngày chị Giang bệnh đến giờ, nhiều đêm bà thức trắng cùng con. Nhớ có lần chị Giang lên cơn, gào khóc vật vã, cứ lấy người ra giáng vào cũi sắt, tay chân tóe cả máu, bà phải túc trực bên chị suốt cả đêm để dỗ dành, lắm khi bà ôm chặt con trong cũi đến sáng giữa tiết trời mùa đông.
 
Hiện nay, sức khỏe bà Dậu không còn được như trước, bà bị bệnh dạ dày, huyết áp thấp, suy tim… Nhưng để có được miếng cơm cho cả nhà, bà vẫn phải dãi dầu nắng mưa ngoài đồng kiếm từng hạt thóc.

Nhà nước có hỗ trợ cho chị Giang 450.000 đồng/tháng. Nhưng số tiền đó đáng là bao khi hoàn cảnh gia đình cả 3 người đều bệnh tật cần dùng thuốc, cần ăn uống và mọi sinh hoạt khác.

Khi chúng tôi hỏi về ước muốn giờ đây, bà Dậu khẽ đưa đôi gầy guộc lau hai dòng nước mắt nói: “Tôi nhốt nó vào cũi cũng nhiều năm rồi. Mong sao có ai đó quan tâm giúp đỡ, có được đồng tiền để nới rộng gian bếp, chuyển em nó vào trong sống cho đỡ khổ, chứ để con nó ăn ngủ trong cũi, sống chung với lợn gà mãi như thế này, đến lúc chết tôi cũng không nhắm mắt được”.

LƯỢNG THIÊN XÍCH.St

1 nhận xét:

  1. Riêng tôi nghĩ : hẳn chính quyền trung ương phải có biện pháp giúp người dân . Ví dụ : nhà thương
    tâm thần ( điên) . để trông nom những công dân như thế này , chứ ! Chẳng lẽ chỉ
    dùng tiền thuế dân đóng để nuôi công an đánh người biểu tình , bắt tù người lương
    thiện mà thôi sao . Cứ nói hay : một chính quyền do dân , vì dân ; mà chẳng làm gì
    ích lợi cho dân cả , sao ?

    Trả lờiXóa