Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

ĐẦU XUÂN ĐỌC KINH DỊCH


Hiện nay có rất nhiều sách viết và dịch về Kinh Dịch. Các bạn trẻ lật vài trang xem qua thấy chưa hiểu gì cả, vì vậy, ít bạn chịu khó đọc kinh Dịch. Ngược lại, có bạn đọc ít nhiều sách về Kinh Dịch lại chuyên đem chuyện này ra để loè bè bạn và dự đoán lung tung về số phận từng con người.
Thật ra Kinh Dịch là cái gì vậy?
Kinh Dịch có từ bao giờ, đến nay vẫn chẳng ai hay, bởi vì từ đời vua Phục Hy tương truyền đã bắt đầu có Kinh Dịch rồi, mà ông vua huyền thoại này xuất hiện cách đây hàng nghìn năm hay hàng vạn năm thì hiện vẫn chưa có gì chứng minh được. Trải qua hàng nghìn năm, không biết bao nhiêu vị thánh hiền đã bổ sung, đã lý giải, mở rộng, đào sâu để cho Kinh Dịch trở thành một tác phẩm vừa lạ lùng, vừa uyên thâm, vừa mênh mông, vừa cụ thể, bao hàm muôn lý, không gì không có, đọc nhiều cũng được, đọc ít cũng hay, bởi vì chỉ đôi câu đã đủ làm thành một đạo lý rồi. Đời nhà Tống, khi viết về Kinh Dịch học giả Trình Di đã phải thốt lên: “ Thánh nhân lo đời sau như thế có thể gọi là tột bậc”. Gần đây lại có một số tác giả lại cho rằng Kinh dịch có nguồn gốc từ Việt Nam. Tác giả Nguyễn Thiếu Dũng kết luận đanh thép: Chúng ta còn nhiều chứng lý từ vật thể đến phi vật thể, từ ngôn ngữ đến văn bản, nhưng mấu chốt hơn hết để chứng minh Kinh Dịch do Tổ tiên người Việt Nam sáng tạo vẫn là vai trò của Trung Thiên Đồ. Khi một người muốn chứng minh một vật là sản phẩm do chính mình đúc ra thì người đó phải trưng ra khuôn đúc, ở đây cũng vậy Trung Quốc không có Trung Thiên Đồ giống như không có khuôn đúc thì làm sao bảo rằng Trung Quốc đã sáng chế ra Kinh Dịch. Thật ra Trung Quốc chỉ có công phát huy Kinh Dịch nhờ đó Kinh Dịch mới có bộ mặt vĩ đại như ngày nay, cũng như họ đã làm rạng rỡ cho Thiền nhưng không ai có thể quên Thiền có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ. Đã đến lúc cái gì của César phải trả lại cho César.
Tác giả Phục Hy
Khi chúng ta nhận ra rằng Kinh Dịch là di sản của Tổ tiên ta sáng tạo, ta sẽ hiểu được do đâu ta cũng cùng giải đất với các dân tộc vùng Hoa Nam, núi liền núi, sông liền sông mà họ bị đồng hoá còn chúng ta thì không. Kinh Dịch chính là cuốn Cổ văn hoá sử của Việt Nam mà Tổ tiên chúng ta còn lưu lại ngày nay, tuy có bị sửa đổi nhuận sắc nhiều lần nhưng những vết tích của nền văn minh thời các vua Hùng dựng nước vẫn còn đậm nét trong nhiều quẻ Dịch.Người sáng tạo Kinh Dịch đã dựa vào Trung Thiên Đồ để bố cục vị trí các quẻ đúng như bản thông hành hiện đang phổ biến. Các Dịch học gia Trung Quốc căn cứ vào vị trí các quẻ theo Hậu Thiên Đồ nên có nhiều câu trong Kinh văn bị họ giảng sai với ý nguyên tác, muốn giảng cho đúng phải dựa vào Trung Thiên Đồ, không thể làm khác được. (Việt báo, Thanhnienonline). Tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng: Thứ nhất là cho đến ngày hôm nay, Liên hiệp quốc đã tổ chức 4 đại hội Kinh Dịch tại Bắc Kinh để tìm hiểu bản chất, nguồn gốc Kinh Dịch và đã không kết luận. Nếu như một nền văn minh mà tự nó phát minh ra hệ thống lý thuyết đó, thì tri thức xã hội của nó phải có cơ sở để tạo ra lý thuyết đó. Cho đến nay theo tôi hiểu thì chính người Trung Quốc cũng không hiểu. Rõ ràng là phải có một nền văn minh nào tạo ra nó chứ. Trên cơ sở những giá trị văn hóa phi vật thể, tôi thấy để có sự hợp lý trong lý thuyết của Kinh Dịch thì nó phải hiệu chỉnh lại. Mà nó hiệu chỉnh lại nhân danh giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam tương quan với nhau. Tôi lấy ví dụ như thời Hùng Vương, người ta mặc áo "nam tả nữ hữu". Người con trai là dương thì mặc áo bên là âm, người con gái là âm thì mặc áo bên hữu là dương. Tức là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, nó đã ăn sâu vào trong chi tiết đời sống xã hội.Thế là cái nền tảng xã hội phải có cơ sở để tạo dựng nên lý thuyết này.Theo tôi đã có một nền văn minh siêu việt nào đó tồn tại 6000 năm trước, đã sản sinh ra lý thuyết này . Đã có một thiên tai mang tính toàn cầu hủy diệt nó, và những bộ phận còn lại đã lưu truyền những giá trị. Dân tộc Việt ở Nam Dương Tử chính là bộ phận sống sót , phát triển nền văn minh đó. Trung Thiên Đồ giữ một vị trí quan trọng và quyết định như vậy đã được Tổ tiên Việt Nam cất giấu rất kĩ trong truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ.
Tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Không phải không có lý khi cụ Phan Bội Châu coi Kinh Dịch “Là nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhân loại”. Cụ Phan cho rằng đúng như tinh thần Kinh Dịch: “Bình đẳng, đại đồng là chân tính, là hạnh phúc của nhân sinh”, “Tinh thần có quy củ trật tự đạo đức là lẽ công bình của mỗi người”.
Những tư duy Khổng học như “Không sợ dân nghèo mà chỉ sợ phân chia không đều” (sách Luận ngữ), “Tính kế trăm năm không gì bằng trồng người” (sách Hán thư) …
Kể cũng lạ thật, người xưa cho rằng: “Trong khoảng trời đất có gì? Chỉ hai chữ âm dương mà thôi”. Chẳng là nhân thì là nghĩa, chẳng cứng là mềm, chẳng thừa là thiếu, chẳng nam là nữ, chẳng trên là dưới, chẳng trong là ngoài, chẳng thịnh là suy, chẳng nhiều là ít, chẳng khen là chê, chẳng tiến là lùi, chẳng mặn là nhạt, chẳng nhanh là chậm, chẳng xấu là tốt, chẳng to là nhỏ, chẳng trước là sau, chẳng rủi là may.
Hoá ra lâu nay ta quá say sưa với triết học Tây phương mà ít chú ý đến triết học Đông phương, trong khi đó thì người dân thường tuy ít học nhưng lại thường tin tưởng và làm theo vô số những lời dạy của thánh hiền. Sự biến động ghê gớm của các nước phương Tây với đầy những mâu thuẫn nội sinh đồng thời với sự hưng thịnh đột xuất của không ít quốc gia châu Á, kể cả sự phục hồi nhanh chóng sau khi xảy ra tình trạng khủng hoảng tài chính, kinh tế…đã làm cho cả nhân loại không thể không chú ý nhiều hơn đến triết học Đông phương. Văn minh châu Á trở nên hấp dẫn đối với hàng tỉ người dân bình thường ở phương Tây. Kinh Dịch là một trong những thần kỳ của triết học và văn minh Đông phương.
Trong hoạt động của con người rõ ràng là âm dương luôn luôn biến động, song thường vẫn giữ được những sự tự điều chỉnh của cơ thể, nếu không ắt hẳn sẽ sinh ra ốm đau, bệnh tật.
Trong hoạt động xã hội, cái thế của nó là Dịch, cái lý của nó là Đạo, cái dụng của nó là Thần, âm dương khép ngỏ là Dịch, một khép một ngỏ là Biến. Ở đời, dương thường thừa, âm thường thiếu, chính vì không bằng nhau nên đã sinh và sẽ sinh muôn vàn biến đổi. Đạo trong gầm trời này chỉ là Thiện-ác, nhưng cái thời, cái cơ bản của mỗi lúc một khác, không phải lúc nào cũng giống nhau. Phải hiểu rõ ràng các phép tu, tề, trị, bình thì mới quản lý được xã hội.
Cổ nhân dạy rằng: “Bất học Dịch khả dĩ thức tạo hoá chi đoạn” (Không học Dịch làm gì rõ được đầu mối của tạo hoá). Ngược lại: “Dịch thông tắc vật lý tự thông” (Dịch mà thông thì sự lý trong vạn vật khắc thông).
Ngũ hành có Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ.
Bát quái có Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
Thiên can có Giáp, ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
Địa chi có Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dởu, Tuất, Hợi.
Chu kỳ của cửu cung là 1 (Khảm) > 2 (Khôn) > 3 (Chấn) > 4 (Tốn) > 5 (Cấn) > 6 (Càn) > 7 (Đoài) > 8 (Cấn) > 9 (Ly) > 10 (Khảm).
Ngày xưa, cổ nhân ngẩng đầu lên quan sát bầu trời, quan sát sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, cúi đầu xuống xem phép tắc dưới đất, xem những sự thích nghi của muôn loài, ngẫm nghĩ ngay về cơ thể mình và nhìn ra xa, gần từ đó làm ra các quẻ để thông suốt đức thần minh, để điều hoà cái tình của muôn vật.
Dịch bắt nguồn bằng các hình ảnh, nói đúng hơn là các phù hiệu, mỗi quẻ có ba hào gồm hào âm, hào dương, ba hào xếp thành ngôi dưới, ngôi giữa, ngôi trên (đối xứng với đất, người và trời), quẻ đơn gọi là kinh quái, quẻ kép gọi là biệt quái. Vì sao như vậy, thì thượng cổ đã làm gì có văn tự. Bát quái, thái cực, hà đồ, lạc thư… đều là hình ảnh.
Người xưa nói: “Đông tình vô đoan, âm dương vô thủy”, còn nói: “Vật phương sinh phương tử”. Có nghĩa là âm dương không có cái trước cái sau, không có cái này sinh ra cái kia, mọi vật đều vừa sinh vừa tử. Thực ra thì cũng không thể phân biệt rạch ròi âm dương, sinh tử. Gọi là dương khi phần dương lấn át phần âm và ngược lai, gọi là âm khi phần âm lấn át phần dương. Âm dương xen kẽ nhau và hàm chứa lẫn nhau. Âm dương lúc dày (thái), lúc mỏng (thiếu) cho nên mới có thiếu dương, thái dương, thiếu âm, thái âm. Âm là bề trái, dương là bề phải, âm là bề lưng, dương là bề bụng, âm là vật chất bên ngoài, dương là tinh thần bên trong, âm thuộc về đất, dương thuộc về trời, âm nặng nên xuống đất, dương nhẹ nên lên cao. Gọi là âm dương (chứ không gọi là dương âm) có cái lý của nó. Cái gì cũng từ dưới đi lên, từ ngoài vào trong, có phần tối mới nổi được phần sáng.
Kinh dịch thật là thú vị nhưng cũng thật là khó. Đọc mãi không hiểu đừng vội lấy làm lạ. Đọc lại chỉ hiểu thêm một ít. Đọc thêm nữa lại hiểu nhiều hơn. Có nhiều sách kinh dịch, nhưng theo thiển ý của tôi thì chỉ nên đọc nguyên bản Kinh dịch qua bản dịch của học giả cừ khôi Ngô Tất Tố. Đọc Kinh dịch qua sự giải thích của người khác mất hết cả sự thiêng liêng, huyền bí, vả lại đã chắc gì hiểu được đúng để giải thích cho người khác.
Chính vì vậy, các bạn trẻ đừng đọc Kinh Dịch như đọc tiểu thuyết mà nên đọc dẫn từng đoạn, đọc vào lúc yên tĩnh, lúc tâm hồn êm, thanh thoát. Chỉ đọc như vậy mới mong đạo lý lưu thông, nghĩa tình bao quát. Khổng Tử đã bảo là phải “ học Dịch” ( chứ không phải là đọc Dịch), thật là chí lý!
Bạn đọc cứ đọc đi và thấy hiện dần vô số điều tâm đắc.
Hãy xem vài ví dụ:
Trong quẻ Kiều có lời Kinh: “ Thượng hạ vô thường, phi vi tà dã, tiến thoái vô hằng, phi ly quần dã... ” (Lên xuống bất thường, không làm điều xấu, tiến lui không nhất định, đừng xa rời quần chúng ... ).
Trong quẻ truân có lời Kinh: “ Tuy bàn hoàn chỉ hành chính dã. Di quí hạ tiện, đại đắc dân dã ... ” (Tuy gian truân có chí sẽ làm nên, là người hiền chịu dưới kẻ hèn, nhưng rồi sẽ được dân tin...) .
Trong quẻ Mông có lời Kinh: “ Lợi dụng hình nhân, dĩ chính pháp dã...” ( dung quẻ phạt người để giữ nghiêm pháp luật).
Quẻ Nhu có lời Kinh: “ Nhu, hữu phu, quang ranh, trinh, cát, lợi thiệp đại xuyên...” (Mềm mỏng nếu có lòng tin sẽ sáng láng, hanh thông, chính bền là tốt, có lợi cho việc vượt sông lớn...).
Quẻ Tụng có lời Kinh: “Tụng nguyên cát, dĩ trung chính dã...” (Trong thì nghe không lệch, chính thì xét xử hợp tình...).
Nếu vừa “học Dịch” vừa học thêm chữ Hán trong lời Kinh thì càng ích lợi và thú vị thêm biết bao. Đừng quên rằng trong ngôn ngữ của nhân dân ta hiện nay có tới trên 60% số từ có nguồn gốc từ âm Hán. Nếu tính cũng đừng quên rằng trên thế giới cứ 6 người thì có tới gần hai người biết chữ Hán.
Thiết nghĩ, trong thời buổi cái đúng, cái sai còn lẫn lộn; người tốt, người xấu chưa tường minh; khó chung, khó riêng còn đầy rẫy; nên nhớ rằng cái gốc của dân ta thì mãi mãi là tốt, đường lối đi lên đã được mở. Trong điều kiện như vậy mong sao mỗi bạn trẻ mỗi tuần có xếp chút thời gian để bình tâm đọc (đúng hơn phải nói là học) Kinh Dịch. Nghe lời người xưa mà ngẫm đến chuyện ngày nay, nghe lời thiện mà tránh điều ác, nghe lời nhân mà làm điều nghĩa...
Cuộc đời sẽ đẹp thêm biết bao, tâm hồn mỗi người sẽ rộng mở và sáng láng thêm biết bao, quan hệ giữa người với người sẽ tốt lành hơn biết bao- bạn cứ kiên nhẫn đọc đi, sẽ thấy đúng là như vậy đấy. 

Nguyễn Lân Dũng

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

1 nhận xét:

  1. Bài viết của chú hay lắm ạ. Cháu cũng có hứng thú với Huyền học, nên có học một chút về phong thủy, nhưng tiếc là ko có môi trường để thực nghiệm và ko có ai hướng dẫn nên chỉ có một chút lý thuyết đã phải dừng lại. Cháu hi vọng sẽ dành thêm thời gian để nghiên cứu cái gốc là Kinh Dịch và Âm Dương Ngũ Hành...

    Trả lờiXóa