Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

TÁC DỤNG CỦA PHÈN CHUA


Qua tìm hiểu các ví dụ thực tế về sự ứng nghiệm trong bói Dịch của tiền nhân, tôi rất tâm đắc 1 quẻ Dịch của Dã Hạc Lão Nhân. Qua ví dụ này, ngoài việc phản ánh sự ứng nghiệm về Dịch Lý còn cho thấy khả năng dùng thuốc cứu người rất kịp thời, đơn giản và hiệu quả của cụ.
Ngày bính dần - tháng mão, có người tới xem tuổi thọ của bà, được quẻ trung phu.



Đoán rằng: Hào tị hỏa phụ mẫu, được nhật thần, nguyệt kiến tương sinh, nên vẫn sống thọ. Người xem nói rằng: "Cha tôi đi cầu sao Bắc Đẩu cho bà tôi, nói rằng phải tế lễ bảy năm. Nay cha tôi bận việc công, tôi chưa kết hôn, thay cha tế lễ." Ta nói: "Thật là cha con có hiếu, cảm động lòng trời. Quẻ này được nhật nguyệt tương sinh, hẳn là được thần linh phù trợ." Quẻ xem năm tuất, qua năm sau, do bà mắc chứng đờm tắc, nên người con lại đến xem.
Quẻ chưa sắp xong, thì người nhà đến báo rằng: "Lão phu nhân đã qua đời!" Người này vội vàng quay về. Ta xem kỹ quẻ này, thấy hào sửu thổ phụ mẫu lâm nguyệt kiến, lại có hào ngọ hỏa động tương sinh, tuy hào mão mộc động khắc thổ, nhưng lại hóa thoái thần, gặp tuyệt tại ngày thân, làm sao có thể qua đời được! Bèn vội đến nhà người này. Theo phong tục người phương bắc, người chết rồi không được nằm trên giường, mà đã chuyển lên trên cánh cửa. Đờm tắc trong họng, nhưng còn nghe thấy hơi thở yếu ớt, ta bèn dùng 3 tiền phèn hòa tan vào nước sôi, cậy răng đổ vào miệng, 1 lúc thì nghe kêu lên "lạnh quá". Người nhà vội đưa vào
trong giường lò. Bà tiếp tục sống thêm mười ba năm nữa.

Trên đây là phần luận đoán Dịch lý của Dã Hạc Lão Nhân. Trong phần luận ở trên, tác giả đã dùng phèn để cứu kịp thời một người đang trong lúc thập tử nhất sinh. Qua đó có thể thấy trình độ Y-Dịch của cụ thật đáng nể.

Sau đây mời các bạn tìm hiểu thêm về tác dụng dược tính của phèn qua bài viết được đăng trên Sức khỏe & đời sống để biết thêm những giá trị của một vị thuốc rất bình dị này.

Nói đến phèn chua chắc nhiều người biết, tuy nhiên cũng không phải ai cũng biết nhiều điều lý thú về tác dụng trị liệu của phèn chua được sử dụng trong Đông dược.

Kết cấu phân tử của phèn chua.
Phèn chua có tên khoa học là Alumen, Sulfat Alumino Potassicus, có công thức hóa học là Al2(SO4)3, đó là loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Phèn chua tan trong nước, không tan trong cồn.

Trong Đông dược, phèn chua được sử dụng làm thuốc trị bệnh; ngoài ra phèn chua còn được dùng để lọc nước đục hay trong kỹ nghệ nhuộm, kỹ nghệ thuộc da. Tại Hoa Kỳ phèn chua là một loại hóa chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm cũng như hàn the.

Phèn chua có nhiều tên gọi khác nhau như trong Hán việt gọi là vũ nát, vũ trạch, mã xĩ phàn, nát thạch, minh thạch, muôn thạch, trấn phong thạch, tất phàn, sinh phàn, khô phàn, minh phàn, phàn thạch...

Phèn chua được sử dụng trong trị liệu rất phong phú như các bệnh ngứa âm hộ, đới hạ, ngứa lở (tán bột rắc hoặc sắc rửa), cổ họng sưng đau, đờm dãi nhiều, động kinh... Dùng uống từ 1-2 chỉ (khoảng 4-8g) cho thang thuốc uống, sức ngoài tùy theo mục đích trị liệu.
Để tham khảo và áp dụng phèn chua trong trị liệu các chứng bệnh theo truyền thống, xin giới thiệu những phương cách tiêu biểu.

Trị đinh nhọt phát bối (nhọt độc ở lưng), nhọt độc ở đầy người. Phương này có công hiệu như nhọt chưa thành sẽ làm tan đi, có mủ thì vỡ mủ, làm mau lành miệng. Dùng Hoàng lạp hoàn gồm bạch phàn sống 1 lượng (40g) luyện với sáp ong nóng chảy thành hoàn bằng hạt đậu đen, mỗi lần uống từ 10-20 viên chiêu với nước nóng.

Trị trúng phong cấm khẩu: Dùng bạch phàn 1 lượng (40g), tạo giác 5 chỉ (20g), tán bột riêng từng vị, sau đó trộn đều với nhau. Mỗi lần uống 1 chỉ (tức 3,75g hay lấy tròn 4g) chiêu với nước sôi để nguội. Uống dần đờm ra, bệnh sẽ lui.

Trị nhức đầu không muốn ăn do đờm kết: Lấy bạch phàn 1 lượng (40g), cho vào 2 bát nước, sắc còn lại 1 bát, trộn với mật ong uống sẽ nôn đờm ra, nếu chưa nôn được cần uống thêm nước cho nôn ra.

Trị động kinh bởi phong đờm: Dùng hóa đờm hoàn. Lấy bạch phàn 40g, tế trà (chè tàu) loại nhỏ cánh để lâu năm càng tốt, tán bột tất cả rồi trộn với mật ong làm hoàn to bằng hạt đậu đen. Trẻ con uống từ 5 – 6 viên mỗi lần. Người lớn uống 15 viên mỗi lần chiêu với nước nóng.

Trị sản hậu bị cấm khẩu: Dùng bạch phàn sống 1 chỉ (4g) tán bột hòa với nước lạnh và cho uống làm 2 – 3 lần.

Trị trẻ em bị miệng lưỡi trắng không bú được: Phèn chua 1 chỉ (4g) tán bột mịn, lấy lông gà rà vào miệng nơi bị bệnh.

Trị đại tiểu tiện không thông: Dùng bạch phàn 5 chỉ (20g) tán bột, người bệnh nằm ngửa bỏ vào rốn khiến cho khí lạnh tác động một lúc sẽ đi tiêu, tiểu được.

Trị rắn độc cắn (chỉ dùng kết hợp hoặc lâm vào hoàn cảnh không phương cứu chữa): Lấy 1 cục bạch phàn cho lên dao sắt nướng trên lửa cho bạch phàn chảy ra rồi dùng nó nhỏ ngay 1 giọt vào chỗ vết rắn độc cắn.

Trị hôi nách: Lấy phèn phi tán bột mịn, rồi dùng khăn lụa hoặc khăn mỏng bọc bột phèn phi hay bông sạch chấm vào bột phèn phi đã tán, xát vào hố nách, làm nhiều lần trong ngày.

Trị tai chảy nước mủ hay miệng lưỡi lở, da ngứa: Dùng phèn phi tán bột mịn rắc vào chỗ đau hoặc hòa vào nước để rửa nhiều lần sẽ khỏi.
Ngoài ra còn một số phương hiện thường được sử dụng:

Trị đinh nhọt sưng đau do thấp chẩn: Lấy minh phàn và hùng hoàng hai vị lượng bằng nhau. Lấy xác trà trộn vào cùng hai vị này rồi đắp vào nơi đau.

Trị xuất huyết ở phổi (phương có tác dụng liễm huyết, chỉ huyết, trong nôn ra máu, chảy máu cam, đi ngoài ra máu, băng lậu xuất huyết do dao cắt). Dùng phương chỉ huyết tán gồm bạch phàn, hài nhi trà, các vị lượng như nhau, tán bột. Mỗi lần uống 3-4 phân (khoảng 1-1,5g) chiêu với nước ấm.

Trị hoàng đản (trong chứng vàng da do thấp nhiệt): minh phàn, thạch đai, tán bột cả 2 vị, trộn đều. Mỗi lần uống từ 5 phân đến 1 chỉ tức khoảng 2-4g. Chiêu với nước ấm, ngày uống 2-3 lần. Hoặc dùng phương Tiêu thạch phàn, thạch phàn tán gồm hai vị tiêu thạch và phàn thạch lượng bằng nhau, tán bột mịn trộn đều rồi lấy uống với nước cháo đại mạch. Mỗi lần uống 1 chỉ (xấp xỉ 4g), ngày uống 3 lần.

Trị lở ngứa: Dùng khô phàn, lưu huỳnh, xà xàng tử mỗi thứ đều 1 lượng (40g), tán bột mịn trộn với dầu vừng để xức (bôi) lên nơi lở ngứa nhiều lần bệnh sẽ khỏi.

BS. Hoàng Xuân Đại

LƯỢNG THIÊN XÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét