Có một tập tục trong ngày Tết mà không phải người Việt Nam nào cũng biết, đó là tục mua muối đầu năm.
Tục mua muối được người xưa nhắc nhớ trong câu tục ngữ: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, và có thể xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn.
Theo quan niệm của nhân dân ta từ xưa, mua muối đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn, gia đình sẽ luôn hòa thuận, gắn bó keo sơn. |
Nhà thơ Trần Trương có nhiều năm nghiên cứu văn hóa truyền thống cho rằng, hạt muối mang trong mình ý nghĩa phi vật thể sâu sắc. Ông cho rằng: “Đầu năm người ta mong muốn phải có cái đậm đà, mà muốn đậm đà thì phải có muối và đậm đà ở đây chính là cái đậm đà tình cảm gia đình, làng xóm, anh em, bè bạn. Tình cảm của chúng ta phải mặn mà, đằm thắm thì mọi việc nó mới thật được”.
Người ta thường mua muối vào sáng mùng Một Tết. Tuy nhiên, khi mua nên chú ý mua một bát đầy có ngọn và trả tiền tương ứng một hai cân để cầu may. Điều đặc biệt ở đây là muối bao giờ cũng đong có ngọn, chứ không gạt miệng sợ về sẽ mất lộc, mất mặn mà.
Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì vôi trắng, người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc bẽo, ca dao xưa cũng đã có câu “bạc như vôi”. Chính vì thế, đầu năm phải tránh mua vôi để tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích, rạn nứt và đổ vỡ trong quan hệ tình cảm gia đình cũng như công việc.
Chỉ nên mua vôi vào cuối năm để quét lại nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Vôi quét nhà cuối năm cũng có ý nghĩa là xóa đi những điều không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu mới mẻ, tinh khôi để sửa chữa những sai lầm, khôi phục những thất bát đã qua.
Tục lệ này ngày nay ít có người quan tâm, nhất là những người trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình người Việt vẫn luôn nhắc nhở con cháu giữ gìn những thói quen và quan niệm đẹp đẽ đã có từ lâu đời của nhân dân ta.
Ở Hà Nội, từ sáng mùng Một Tết, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa. Để thu hút khách, nhiều người còn khéo léo đóng muối vào các túi vải màu đỏ rồi gắn ông thần tài loại nhỏ lên. Nhà nhà, người người đều háo hức mua một vài đồng muối lấy may cả năm, tuy nhiên, không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ.
Ngọc Tuyên
LƯỢNG THIÊN XÍCH. St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét