Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

NHÀ VĂN NGUYỄN HIẾN LÊ: VIẾT NHƯ LÀ... HÀNH XÁC

Trông vào khối lượng tác phẩm đồ sộ (gồm trên một trăm cuốn, thuộc nhiều thể loại) của nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê, không phải ai cũng biết rằng: Để có được kỳ tích như vậy, tác giả của chúng đã phải tiết giản nhiều nhu cầu sinh hoạt, trong đó có những nhu cầu vốn dĩ được xem là... tối thiểu đối với mỗi con người.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1912-1984).


Bản thân Nguyễn Hiến Lê cũng ý thức được điều này khi tâm sự: "Nhiều người, từ bạn bè đến độc giả bảo tôi sống như một nhà tu khổ hạnh. Tôi không biết các nhà tu khổ hạnh có thấy khổ không khi họ nhịn ăn, nhịn uống, nhịn ngủ, tự quất vào thân cho đến rớm máu, hoặc tĩnh tọa cả chục năm quay mặt vào tường, nắm chặt hai bàn tay cho tới nỗi móng tay mọc dài xuyên thấu lòng bàn tay,... chứ riêng tôi, chẳng tu hành gì cả, không thấy lối sống của tôi với sách vở là khổ".
Theo lịch làm việc tự đặt ra cho mình thì mỗi ngày, Nguyễn Hiến Lê quyết tâm phải viết ít nhất một trang, trung bình là ba trang. Muốn được thế, mỗi ngày ông dành từ 5 tới 6 tiếng đọc sách báo, 5 tới 6 tiếng cho việc viết, 1 tiếng cho việc thư từ, liên hệ với các tòa soạn báo, các nhà xuất bản.
Ông làm việc không trừ chủ nhật, ngày lễ, ngày tết. Buổi tối không tiếp khách, không đi xem hát. Để khỏi thất lạc những ý tưởng nảy nở về đêm, ông để sẵn ở mặt tủ nhỏ bên đầu giường chiếc bút chì, nếu cần là có thể quờ tay viết vội mấy chữ lên một tờ giấy trắng đặt cạnh đó. 
Bình sinh, sức khỏe của Nguyễn Hiến Lê không được tốt. Ở tuổi bốn mươi, ông vừa bị loét cuống bao tử, lại thêm bệnh lao, mấy lần khạc ra máu. Để khỏi mất thì giờ, mỗi lần khạc ra máu ông chỉ uống thuốc bắc hoặc thuốc nam cho cầm máu chứ không đi khám bác sĩ. Riêng với bệnh loét bao tử, ngoài việc uống tới 6 -7 thứ thuốc, ông kiêng cơm tẻ. Hàng chục năm trời ông chỉ ăn... cơm nếp, kiêng đồ cay, chua.
Thời gian dịch cuốn "Chiến Quốc sách", ông thường xuyên đau bao tử, cứ phải vừa xoa bụng vừa... viết. Đến lúc đau quá thì cũng chỉ dám "nằm nghỉ một chút rồi ngồi lên viết tiếp". Bởi phải ăn kiêng như vậy nên Nguyễn Hiến Lê cũng rất ngại tiệc tùng. Theo ông thổ lộ thì trong mấy chục năm ở Sài Gòn, ông chỉ dự độ... bốn, năm tiệc cưới.      
Ai cũng biết viết văn là một công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Mọi sự "tranh thủ thời gian" rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Hẳn vì thế mà hễ đặt bút viết cuốn nào là Nguyễn Hiến Lê quyết phải viết bằng xong, mọi việc khác dẹp sang bên.
Có lần ông đã viết thư tâm sự với thi sĩ Bàng Bá Lân: "Mấy năm nay, tôi thấy sức suy, cứ mùa mưa thì ba ngày đau mất một ngày, mùa lạnh chịu cũng không nổi. Anh dư biết nghề viết văn mệt hơn nghề công, tư chức nhiều lắm, óc không lúc nào nghỉ được, công việc ám ảnh mình hoài, trừ khi hoàn thành tác phẩm mới thôi. Mà chưa xong tác phẩm này đã chuẩn bị cho tác phẩm khác rồi".
Cũng theo tiết lộ của Nguyễn Hiến Lê, bao giờ ông cũng có vài ba đề tài trong đầu, và bởi thế, tiềm thức của ông "luôn làm việc, cả trong bữa ăn, giấc ngủ, cả trong lúc đi chơi, tiếp khách hay đọc sách báo để tiêu khiển". Ông lý giải: "lúc đó tôi đâu có muốn kiếm tài liệu viết, nhưng gặp một câu, một lời hay thấy một việc gì, một cảnh nào có liên quan xa gần với đề tài thì tự nhiên tiềm thức của tôi hoạt động mà tôi không hay rồi bắt tôi nghĩ tới, nhớ lấy". 
Nhiều nhà văn tâm sự: Phải có hứng họ mới viết được. Nguyễn Hiến Lê thì khác. Đến giờ viết thì dù không hứng ông vẫn buộc mình phải ngồi vào bàn. Thoạt tiên, ông cứ "viết bừa vài trang, nửa trang rồi hứng tự nhiên tới".
Lại có những cuốn (dạng sách biên soạn), ông làm dở mà vẫn thiếu tài liệu. Biết đây là "khuyết điểm" nhưng ông vẫn buộc mình phải soạn cho xong. Ông tâm sự: "Miễn cưỡng chứ không phải là cẩu thả; trái lại là khác, mỗi chương, nhất là trong cuốn II, tôi tốn nhiều công, viết xong thấy rất mệt, có cảm giác như leo một ngọn núi... Độc giả làm sao biết được nỗi khó khăn đó của tôi". 
Viêc đọc cũng vậy, mặc dù từng được thi sĩ Quách Tấn nhận xét là sức đọc "khó người bì kịp", song trong ý thức, Nguyễn Hiến Lê luôn cảm thấy mình đọc thế vẫn chưa đủ. Ông cố làm sao để mỗi cuốn sách qua tay mình đều tác động ít nhiều tới việc soạn sách.
Bởi vậy, khi đọc, bao giờ ông cũng mang theo một cây bút chì và cục tẩy. Hễ đoạn nào ông thấy tâm đắc, hoặc cần lưu ý, ông dánh dấu bằng bút chì ngoài lề, hoặc ghi tóm tắt một đôi ý nghĩ, ý kiến ở phần bìa lót...
Đọc hồi ký Nguyễn Hiến Lê, ta thường thấy ông nhắc đi nhắc lại câu... khẩu hiệu: "Không để mất thì giờ". Quả là, với một người "được trời phú cho tính giản dị, rất ít nhu cầu, mà cũng không có một đam mê gì ngoài sách vở" (như ông tự nhận) thì thời gian quý hơn bạc vàng.
Cả hai lần chính quyền Sài Gòn mời ông làm giám khảo giải thưởng văn chương quốc gia thì cả hai lần ông đều từ chối. Ông bảo, làm giám khảo, ít nhất một năm phải đi họp bốn, năm lần, phải đọc vài chục bản thảo, thời gian mất tới cả tháng. Trong khi ở nhà, ông có thể viết được ba, bốn chương sách. Ông cũng cho biết, thường thì phải cả tuần, thậm chí nửa tháng ông mới ra khỏi nhà. Còn họp hành thì, có nhiều năm ông không dự một cuộc họp nào. 
Hẳn có người, đằng sau sức làm việc đáng kinh ngạc của Nguyễn Hiến Lê, sẽ ngờ rằng nó ẩn chứa một động cơ nào đó như tiền tài, danh vọng. Hãy nghe Nguyễn Hiến Lê tâm sự: "Tôi không cầu danh hay lợi; có một số bạn hiểu mình, một số độc giả mến mình, lúc nào cũng có dư một số tiền là đủ rồi, không cần giàu. Và bao giờ tôi cũng cho rằng cái vinh dự nhất của người cầm bút là được độc giả tin cậy, chứ không phải nhận chức này chức khác".
Trong bài "Tự xét mình hồi 60 tuổi", Nguyễn Hiến Lê tự nhận mình là người luôn "biết "tự túc", tự hạn chế nhu cầu cùng thị dục của mình". Tất nhiên, song song với việc đó, ông cũng biết mình sống vậy là có lỗi với gia đình "đôi khi tôi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách, vợ con tôi nhiều lúc cũng thấy chán"
  Tường Duy

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét