Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Cảm nhận về một chuyến đi

Xuân nghiêng
Chao khắp đất trời
Người vui nhân nghĩa cho lòng thêm xuân
Đời còn lắm cảnh gian truân
Ta đi ghép tiếp mảnh xuân cho đời

Thưa các bạn!

Theo kế hoạch, 07h30 phút ngày 27 - 1 - 2013, hội Lý Số Việt Miền Bắc đã thực hiện chuyến hành trình trao quà từ thiện với chủ đề "Tết cho người nghèo" tại thôn Tiên Chu - xã Bắc Sơn - huyện Sóc Sơn - Hà Nội. Nằm trong chuỗi hoạt động từ thiện của hội, lần trao quà này nhằm đúng dịp cả dân tộc đang nô nức chuẩn bị cho một cái tết cổ truyền được ấm áp, vui tươi trong sự xum vầy cùng người thân nên chúng tôi cũng cố gắng chuẩn bị những phần quà mang đậm nét xuân.

Dù cho thời tiết buổi sáng cuối tuần mưa rét, chúng tôi vẫn làm tốt công tác chuẩn bị trước khi khởi hành và tin rằng trời không phụ lòng người, sẽ đem đến sự tạnh ráo, quang đãng để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến hành trình được tốt đẹp. Và quả thực, thời tiết tại xã Bắc sơn lúc chúng tôi đến đã không còn một hạt mưa, đường xá đa phần là đường đất đã dần khô và dễ đi lại khiến cho công việc đi đến nhà dân trao quà rất thuận lợi.


Xe dừng bánh trước xân nhà văn hóa thôn, chúng tôi đã được cấp ủy và lãnh đạo địa phương đón tiếp trong không khí thân tình và cởi mở. Buổi giới thiệu thành phần hai bên diễn ra nhanh chóng và đơn giản bên ấm trà mới pha đã phần nào xua tan đi cái rét dọc đường.





Sau khi công bố lý do, giới thiệu đại biểu xong, Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo địa phương, đoàn chúng tôi đã tiến hành đến tận nhà để trực tiếp trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn. Trong danh sách 10 trường hợp trao quà lần này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với gia đình bà Lê Thị Thanh - 58 tuổi. Khi chúng tôi đến thì bà không có nhà, đứng chờ ngoài đường khoảng 5 phút thì thấy dáng người nhỏ bé của bà đi về. 



Bà cũng ngạc nhiên khi thấy trước cổng nhà mình có nhiều người, lại có cả cán bộ thôn và cả ô tô nữa nên bà rất hoang mang, lo lắng. Chưa kịp chống chiếc xe đạp, bà đã mếu máo: "Các ông ơi! làm ơn đừng bắt cái gì của nhà cháu! nhà cháu chẳng còn gì cả, hàng ngày phải đi nhặt bao tải và nilon về để che nhà cho kín chứ trong nhà không còn gì đáng giá đâu..." Rõ khổ!!! Có lẽ bà nghĩ chúng tôi là người của ngân hàng đến xiết nợ nên bà vội phân trần và van xin nghe thật tội nghiệp! Chúng tôi vội giải thích để bà hiểu rằng đây không phải là người đến xiết nợ và chúng tôi là người của quỹ từ thiện Tấm Lòng Vàng, đến để trao quà từ tết cho bà, lúc này bà mới bớt sợ và mời chúng tôi vào nhà!



quả thực trong nhà bà, ngoài chiếc tivi cũ ra thì không có vật dụng gì đáng giá, tuy nhiên chúng tôi tin rằng sau này nhất định cuộc sống của bà sẽ đỡ vất vả hơn vì bà có được hai người con ngoan hiền đang học đại học dưới Hà Nội. Với sự nỗ lực cố gắng hết mình của người mẹ có thân hình nhỏ bé và khắc khổ này, cộng với chính sách cho sinh viên vay tiền học phí của nhà nước mà hai người con của bà được đi học đầy đủ, sau này sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bà trong những ngày tuổi già xế bóng.

Tạm biệt bà Thanh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến nhà bà Tạ Thị Hến - 47 tuổi. Căn bệnh động kinh quái ác đã hành hạ bà bao năm trời khiến cho bà không thể ngồi trên ghế được, vì theo con dâu của bà kể, hễ cứ ngồi lên ghế hoặc chỗ nào hơi cao một chút là bà lại chóng mặt, ngã bổ nhào xuống đất.



Nhớ lại những ngày rét đậm vừa qua, các con thương bà nằm rét nên có đặt lò than cạnh giường, không ngờ bà lên cơn động kinh ngã vào bếp than đang đỏ rực lửa, quần áo đầu tóc cháy hết, một mảng đầu bên phải bị bỏng  kéo theo lớp mí mắt ngược lên trông thật thương tâm. Đúng là phúc bất trùng lai, họa vô đơn trí. Đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ hơn.

Chúng tôi còn tới với một gia đình cũng thương tâm không kém, đó là gia đình bà Nguyễn Thị Lan - 60 tuổi.



Chồng bà mấy năm trước bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não. Hiện giờ ông bị vỡ một mảng sọ bên trái. Đi chữa trị 2 năm trời, bệnh viện cũng đã nuôi cấy một mảng sọ nhân tạo để thay cho ông, nhưng vì gia cảnh nhà ông quá nghèo nên không có tiền ghép sọ. Bệnh viện nuôi cấy 2 năm, thấy gia đình ông không có tiền ghép nên đã bán mảnh sọ đó cho người khác.





Vì ảnh hưởng của vụ tai nạn đó cho nên bây giờ sức khỏe của ông rất kém, chỉ cần  trái nắng trở giời hoặc tiếng động lạ là chiếc hộp sọ lại hành hạ ông. Giờ đây ông mất hoàn toàn sức lao động và chỉ mong sao được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng để ông được tiếp tục điều trị.

Chúng tôi còn đến với nhà bà Trần Thị Hợi, Tạ Thị Xuất và các gia đình khác nữa. Nhìn chung cuộc sống người dân ở đây vẫn rất khó khăn, rất cần sự quan tâm của xã hội để dân nghèo nơi đây được phần nào bớt đi nỗi lo lắng, vất vả trong cuộc sống đầy sự mưu sinh trên mảnh đất bán sơn địa cằn cỗi.
Tạm biệt Tiên Chu, tạm biệt những mảnh đời bất hạnh, chúng tôi tin rồi sẽ có ngày cuộc sống nơi đây sẽ tốt đẹp hơn, bởi những người dân quanh năm lam lũ với trồng lúa, hái chè, nhưng vẫn không quên một nhiệm vụ cao cả hơn, đó là công cuộc TRỒNG NGƯỜI.



Hà Nội ngày 18 tháng chạp năm nhâm thìn
LƯỢNG  THIÊN XÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét